Một trong những tiêu chuẩn của nhà thuốc đạt GPP là bán thuốc theo toa bác sĩ còn chưa được tuân thủ thì các tiêu chuẩn như phải có chỗ rửa tay cho người bán và người mua; trường hợp thuốc bán lẻ phải ghi rõ tên thuốc; dạng bào chế; nồng độ, hàm lượng thuốc trên bao bì đựng thuốc… xem ra càng quá xa xỉ!
Tại TP.HCM, tình trạng cũng tương tự. Vào một nhà thuốc được cấp GPP tại đường Quang Trung (quận Gò Vấp) để mua hai liều thuốc viêm xoang, chúng tôi chỉ trình bày “nhức hàm, đau họng, nhức đầu…” cô bán hàng liền đưa cho chúng tôi cả chục viên thuốc. Thấy chúng tôi thắc mắc sao không có dược sĩ hướng dẫn dùng thuốc, cô nhân viên ậm ờ: “Bác em đứng tên nhưng đi làm trong bệnh viện rồi, tối bác mới bán. Tụi em ở đây học trung cấp, sơ cấp dược nên không sao đâu"
Chuẩn GPP còn quá xa xỉ
Mới đây, tại một buổi làm việc với sở Y tế TP.HCM về quản lý giá thuốc, ông Nguyễn Văn Minh, phó ban Văn hoá xã hội HĐND TP.HCM đặt vấn đề: “GPP liệu có phải là bùa hộ mạng cho các nhà thuốc làm ăn bất chính hay không bởi qua thanh tra, kiểm tra, có không ít nhà thuốc GPP sai phạm như bán thuốc hết hạn sử dụng, bán thuốc không hoá đơn, chứng từ…?” Theo thống kê của sở Y tế TP.HCM, năm 2009, qua thanh tra 4.465 cơ sở bán lẻ dược phẩm có 752 cơ sở vi phạm, trong đó có 20 nhà thuốc GPP; chưa kể nhiều sai phạm trong việc cấp chứng nhận, tổ chức tập huấn về GPP…
Theo quy định, nhà thuốc GPP (Good Pharmacy Practices) đủ tiêu chuẩn là chủ nhà thuốc phải có chứng chỉ hành nghề dược và phải có mặt tại cửa hàng trong thời gian hoạt động. Một số loại thuốc theo quy định phải bán theo toa của bác sĩ. Nhân viên trực tiếp bán thuốc phải có bằng chuyên môn dược. Khu vực bán thuốc có diện tích tối thiểu là 10m2, có chỗ rửa tay cho người bán và người mua, có đủ thiết bị để bảo quản thuốc tránh được các ảnh hưởng bất lợi của ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, sự ô nhiễm, sự xâm nhập của côn trùng. Đối với trường hợp thuốc bán lẻ không đựng trong bao bì ngoài của thuốc thì phải ghi rõ: tên thuốc; dạng bào chế; nồng độ, hàm lượng thuốc; trường hợp không có đơn thuốc đi kèm phải ghi thêm liều dùng, số lần dùng và cách dùng v.v…
Theo chánh thanh tra bộ Y tế Trần Quang Trung, việc thực hiện “nhà thuốc GPP” là rất tốt, tuy nhiên, điều kiện thực tế chưa cho phép nhà thuốc GPP hiện nay thực hiện đúng quy định, việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này còn nhiều khó khăn. Ông Trung cho biết thêm, với thực tế hiện nay, nếu chỉ vi phạm như không bán thuốc theo đơn, không có phòng rộng mà bắt đóng cửa… thì quá khó nên cơ quan hữu trách thường chỉ nhắc nhở để cơ sở chấn chỉnh. Khi nào vi phạm quá lớn mới dùng biện pháp mạnh!
Về phía nhà thuốc, một dược sĩ tại TP.HCM cho rằng: cũng là cửa hàng bán thuốc nhưng nếu khách vào cửa hàng có GPP phải có đơn của bác sĩ mới mua được thuốc, trong khi cửa hàng không có GPP bán thoải mái thì cửa hàng GPP chỉ có nước đóng cửa. “Không có GPP cũng vẫn mua bán, không bị ai cấm thì mấy ổng bày ra GPP làm gì?”, dược sĩ đặt này câu hỏi.
Quy định về tiêu chuẩn GPP cho các nhà thuốc đã có từ lâu, song hoạt động của các nhà thuốc rõ ràng vẫn chưa đi vào khuôn phép. Như vậy, nếu khâu cấp phép GPP vẫn tiếp tục không thẩm định chặt chẽ, khâu kiểm tra “sau GPP” vẫn không thường xuyên và nếu vẫn chưa thể xử lý nghiêm các vấn đề liên quan đến những nhà thuốc ra đời, tồn tại và phát triển mà không hề có GPP theo quy định thì xem ra, việc áp chuẩn GPP cho các nhà thuốc lần này, rốt cuộc, vẫn chỉ là chuyện làm cho có!
Sưu tầm